GỐM SÀNH NÂU MEN DA LƯƠN – BẢN MỆNH CỦA LÀNG GỐM PHÙ LÃNG
- Là một trong ba trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa, gốm Phù Lãng (Thị xã Quế Võ) mang nét riêng biệt bởi màu nâu đen, vàng nhạt gọi là men da lươn, khác hẳn gốm men trắng Bát Tràng và gốm không men Thổ Hà. Xuất hiện vào cuối thế kỉ XIV thời Trần, có tên gọi là Phúc Khê, sau này cuối thời Trần đầu thời lê cái tên làng gốm Phù Lãng mới được thành danh.
- Làng Phù Lãng với 3 mặt đều giáp sông: phía Đông, phía Bắc và phía Tây giáp với sông Cầu, cách sông Lục Đầu Giang 4 km về phía Nam và Thành phố Bắc Ninh 30 km. Vị trí địa lý này rất thuận lợi để vận chuyển mua vật liệu và tiêu thụ sản phẩm bằng đường sông, tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển và tồn tại đến ngày nay.
- Nguyên liệu gốm sành nâu Phù Lãng được làm là loại đất sét mịn, dẻo, ít bã, xương gốm được chuốt dầy, có khả năng chịu lửa tốt ở nhiệt độ cao 1.000 đến 1200 độ C không cần bao nung. Về cơ bản, gốm sành nâu Phù Lãng được trang trí bằng men là chính. Lớp men nâu này có sắc vàng độc đáo với hai màu chủ đạo là vàng nâu và vàng nâu sẫm hay thường được gọi là “men da lươn”. Men da lươn Phù Lãng thuộc loại men tro được lấy từ những nguyên liệu tự nhiên khai thác tại địa phương. Bao gồm tro trấu, bùn (hoặc bột đất), đá son. Chính chất bột đá son này đã tạo được nên sắc thái đậm, nhạt hay lốm đốm của men da lươn Phù Lãng
- Gốm Phù Lãng thường dùng kỹ thuật đắp nổi, chạm nổi hay cũng có khi những họa tiết trang trí được tạo khuôn sẵn rồi mới dán ghép lên sản phẩm, sau rồi mới tráng men. Sản phẩm chính của gốm Phù Lãng gồm các loại: gốm thờ có lư hương, đỉnh trầm, bình thờ, bát hương. Gốm gia dụng có ang, chậu, thống, đôn…Gốm mỹ nghệ có các loại tượng tứ linh, tượng thú…. Gốm trang trí kiến trúc có các tượng rồng, phượng trên đầu đao, lá đề trang trí trên ngói bò, ngói ống… Dáng gốm sành nâu có men Phù Lãng chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ mộc mạc thô ráp của đất và giàu chất mỹ thuật điêu khắc.
- Nếu vẻ đẹp của gốm Bát Tràng là đa dạng về lớp men những nét vẽ tinh tế, thì cốt hồn của Gốm Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã mộc mạc của nước men da lươn này. Đó cũng là lý do mà khi nhắc nhớ tới Phù Lãng, những người yêu gốm cổ truyền như tôi luôn dành cho ngôi làng cổ này một tình cảm sâu lắng và chỉ xách ba lô về làng, tìm cho mình tháp, hũ, bình, lọ…, mang tông màu men da lươn riêng biệt ấy.