(BNP) – Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với những làn điệu dân ca Quan họ tha thiết, ngọt ngào, mà về vùng đất Kinh Bắc, du khách còn được khám phá và chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm đẹp và độc đáo tại làng nghề gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ) – nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016.
Đến Phù Lãng, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các sản phẩm gốm với đủ hình dáng, màu sắc được xếp dọc đường làng, ngõ, xóm. Ngoài các sản phẩm gia dụng như ang, chum, vại… gốm Phù Lãng còn được dùng trang trí nội thất, ngoại thất trong nhà, cổng nhà, cổng làng, cổng chợ…
Gốm Phù Lãng có nét riêng, đó là men gốm có màu nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng nâu, mà theo những người trong nghề làm gốm gọi là men da lươn.
Mỗi sản phẩm gốm hoàn chỉnh trải qua nhiều công đoạn từ dàn đất, tạo hình, cắt khuôn, phơi, nung, ghép… có sự tham gia của nhiều người. Nguyên liệu gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang).
Dưới bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn, thành nhiều loại sản phẩm khác nhau, đợi khi sản phẩm se bớt rồi tiến hành tráng men, sau đó đợi khô cho vào lò nung.
Nét nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ, dáng của gốm mộc mạc nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và lửa, nhưng vẫn thể hiện sự điêu luyện trong điêu khắc tạo hình.
Từng công đoạn đều được các thợ gốm chăm chút cẩn thận, cầu kì cho đến khi một sản phẩm gốm ra đời và đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn hoặc màu cánh gián, gõ vào phải có tiếng vang, nếu không sẽ bị thải loại.
Hiện nay, sản phẩm dòng tranh gốm đang được phát triển và mở rộng theo thị hiếu của người yêu gốm. Du khách tham quan đều ưa thích sản phẩm này và thường mua về làm quà hoặc trang trí trong nhà từ những bức tranh nhỏ đến bức tranh hàng chục mét vuông. Dòng tranh gốm được sáng tác với nhiều chủ đề đa dạng, đậm chất mộc mạc, giản dị, màu không quá sặc sỡ, rất phù hợp với trang trí sân vườn tiểu cảnh và trang trí nhà thờ, đền thờ.
Hơn nữa, chủ đề trong tranh gốm luôn mang nhiều ý nghĩa với con người Việt, gợi nhớ về nguồn cội, quê hương với những vất vả lo toan để có được một ngày vinh quang như hiện nay…
Để duy trì và phát triển làng nghề, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất gốm đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch, học sinh, sinh viên về địa phương tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm với các nghệ nhân.
Đây thực sự là một tín hiệu vui, bởi du lịch trải nghiệm, cùng làm nghề với các nghệ nhân làng nghề truyền thống đang là một xu hướng mới trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch ở nhiều địa phương. Hơn nữa, đây còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời cũng là một phương thức trong việc xây dựng nông thôn mới và hội nhập hiện nay.
Hi, this is a comment.
To get started with moderating, editing, and deleting comments, please visit the Comments screen in the dashboard.
Commenter avatars come from Gravatar.